Xứ biển Bình Thuận là một trong những thủ phủ du lịch của nước ta, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết là một trong những nét độc đáo trong bản sắc văn hoá của người Hoa nơi đây. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Vi Vu Phan Thiết khám phá lễ hội này xem có những nét độc đáo và cuốn hút gì nhé!
Nguồn gốc lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết
Lễ hội Nghinh Ông được xem như là một trong những lễ hội lớn nhất của người dân ở khu vực vùng biển Phan Thiết. Nguồn gốc của lễ hội chính là từ nghi lễ cầu ngư của người dân thường được tổ chức hai năm một lần.
Lễ hội này không chỉ đơn thuần là một nét đẹp văn hoá mà còn là nơi chứa đựng tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây với mong ước có được cuộc sống êm đẹp, ra khơi thu được nhiều thành quả tốt đẹp, với sóng yên biển lặng và cầu bình an cho người dân ở đây.
Theo sử sách, những người Hoa di cư sang Việt Nam thiết kế và xây dựng nên nội miếu từ những năm 1788. Từ đó hình thành nên nét phong tục, tập quán riêng, góp phần làm phong phú thêm trong cộng đồng người dân Phan Thiết, Bình Thuận. Quan Công ở Chùa Ông Phan Thiết hay còn có tên gọi khác là Quan Thánh Đế Quân được người dân thờ cúng. Đây là đặc trưng cơ bản nhất trong văn hoá của người Hoa ở Phan Thiết, hướng tới Chân Thiện Mỹ, một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc đền miếu, từ kết cấu cho đến tổng thể đậm tính nghệ thuật, với cách phối màu theo kiểu truyền thống gồm nhiều gian thờ.
Thời gian diễn ra lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết
Lễ hội Nghinh Ông diễn ra hai năm một lần, thời gian thường vào hạ tuần tháng 7 âm lịch. Theo quan niệm của người Hoa, tháng 7 âm lịch là thời gian để con người báo hiếu với tổ tiên, thánh thần. Thông thường, lễ hội sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày và được tổ chức theo nghi thức truyền thống.
Trong đó, nghi thức Nghinh Ông sẽ xuất du qua các tuyến đường trong thành phố Phan Thiết với sự tham gia của đông đảo người dân. Người ta cho rằng những nơi mà Nghinh Ông đi qua sẽ mang lại nhiều may mắn cho ngư dân, lễ hội này cũng là một phương tiện giúp cho thành phố Phan Thiết quảng bá hình ảnh du lịch của mình cho du khách trong nước và trên khắp năm châu.
Xem thêm: Homestay biệt thự Phan Thiết
Các hoạt động chính trong lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết
Như chúng ta đã biết, bất cứ lễ hội nào của dân tộc, phần thể hiện rõ nhất bản sắc cũng như ý nghĩa chính là phần lễ. Nếu không có phần lễ thì phần hội sau đó sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Cụ thể, phần lễ bao gồm các nghi thức giúp cho người dân tưởng nhớ đến những người anh hùng dân tộc, những bậc thần tiên có công lớn với đất nước hay làng xã, đồng thời cũng là sự thờ phụng của người dân đối với những vị thần được thờ trong đền, miếu hay chùa.
Đặc biệt, vào lễ giao thừa, hàng ngàn người ở Phan Thiết kể cả người Hoa và người Việt đều đổ ra khắp mọi nẻo đường để tham gia theo phong tục xưa. Đây là dịp giúp bà con có cơ hội viếng chùa, hái lộc, cầu cho cuộc sống bình an, làm ăn thuận lợi.
Phần lễ trong lễ hội Nghinh Ông
Nét độc đáo của lễ Nghinh ông đó chính là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho Thánh Thần, Tổ tiên đều mang tính thuần khiết của Phật Giáo. Trong đó phần lễ của lễ hội Nghinh Ông bao gồm các nghi lễ như sau:
- Lễ Thỉnh Thánh Mẫu
- Lễ Thỉnh Kinh
- Lễ Thỉnh Nước
- Lễ Thỉnh chiêu ứng công
- Lễ khai kinh
- Lễ Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền
- Đoàn lễ Hội quán Quảng Đông ra mắt Quan Thánh
- Đoàn lễ Hội quán Phúc Kiến ra mắt Quan Thánh
- Lễ chiêu vong linh Tiền Hiền
- Lễ phóng đăng
- Lễ phóng sanh
- Đoàn lễ hội quán Triều Châu ra mắt Quan Thánh
- Đoàn lễ hội quán Hải Nam ra mắt Quan Thánh
- Lễ cúng thí thực
- Lễ cầu quốc thái dân an
- Lễ thỉnh thuyền
Phần hội trong lễ hội Nghinh Ông
Sau hai ngày tổ chức phần lễ với các nghi lễ lớn nhỏ, sẽ bước vào giai đoạn hai là phần hội, đây cũng là phần đáng quan tâm và gây ấn tượng trong lòng người dân Phan Thiết qua nhiều thế hệ.
Đây cũng chính là đặc trưng trong lễ hội của người Hoa ở Phan thiết so với các nơi khác, người dân quan tâm đến lễ hội này, háo hức với không khí rộn ràng được tham gia vào dòng người, không khí tưng bừng của ngày hội. Sau dâng lễ tại Quan Đế miếu, đoàn Nghinh Ông với gần 1.000 người tham gia xuất phát từ chùa Ông rồi diễu hành qua khắp các con phố nội thành Phan Thiết.
Trong đó, lộ trình của Đoàn Nghinh Ông diễu hành bắt đầu từ Quan Đế Miếu, lần lượt tới những cung đường Trần Phú, ngã bảy bưu điện, các hội quán Phước Kiến, Hội Quán Quảng Đông, Hội Quán Triều Châu, hội quán Hải Nam và quay lại Quan Đế Miếu.
Bạn có thể ghé thăm những cung đường gần các hội quán này vì đoàn diễu hành sẽ đi đến hầu hết các con đường ở thành phố Phan Thiết.
Xem thêm: Lễ hội Kate của người Chăm tại Phan Thiết
Tiết mục múa rồng đặc sắc trong lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết
Trên các lộ trình Ông đi qua, mỗi Hội quán sẽ trình diễn những tiết mục đặc sắc của mình như múa hàm hương, gánh hoa, múa tiên học lễ hậu học văn, gánh hoa, múa lân-sư-rồng, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, xe Quan Âm…
Sôi động và hấp dẫn nhất trong lễ hội Nghinh Ông chính là phần biểu diễn của Rồng Xanh Thanh Long nổi tiếng dài 49 m với hơn 100 người điều khiển. Ý nghĩa cầu “mưa thuận giò hoà, ấm no hạnh phúc cho mọi người” của Lễ hội đã lan toả dọc các cung đường.
Nếu bạn đang có ý định du lịch tới Phan Thiết vào dịp hè thì nhất định đừng bỏ lỡ lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc này của người Hoa tại thành phố biển xinh đẹp này nhé.